Phát huy phẩm chất cao quí vốn có của đội ngũ nhà giáo

2011-01-14 22:12

5 năm thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” 2005-2010:

(GD&TĐ)-Trải qua 5 năm, những thành tựu của cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” trong ngành giáo dục đã góp phần không nhỏ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

cxcxc
Nhiều giáo viên không chỉ làm tốt công việc giảng dạy mà còn giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng tấm lòng nhân ái

Nơi tiếp tục khơi dậy phẩm chất cao quí vốn có của đội ngũ nhà giáo

Năm năm qua, kết quả nổi bật là đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện qui chế dân chủ. Các đơn vị giáo dục và trường học đều đã xây dựng được bộ qui chế và qui ước để điều chỉnh các hoạt động của đơn vị và nhà trường. Các qui chế, qui ước trước khi ban hành thực hiện đều được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động góp ý kiến để hoàn chỉnh.   

Dân chủ gắn liền với thực hiện nền nếp, kỷ cương, ổn định mọi hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học của đơn vị và nhà trường theo kế hoạch đã đề ra. Trong 5 năm qua, hầu hết đội ngũ nhà giáo và lao động ở các cấp học, bậc học đều gương mẫu thực hiện nghiêm túc, nội qui, qui chế chuyên môn, thực hiện đúng và đủ chương trình giảng dạy, thời khoá biểu; thực hiện tốt kỷ luật lao động, ngày công cao; chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên về mọi mặt. Đồng thời gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chế độ chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với nhà nước và địa phương nơi trường đóng, xây dựng gia đình nhà giáo văn hoá, nêu cao vai trò gương mẫu trước cộng động và xã hội.

Thực hiện nền nếp, kỷ cương gắn liền đấu tranh với các tiêu cực trong mỗi đơn vị giáo dục và trường học. Cuộc vận động “Hai không” chính là một sự cụ thể hóa yêu cầu “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đang triển khai trong các nhà trường và là khâu đột phá trong năm học 2006 - 2007 để tiếp tục lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác, khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.

Việc tổ chức coi thi, chấm thi, xếp loại, cho điểm học sinh, sinh viên thực chất hơn. Đặc biệt, công tác coi thi, chấm thi tốt nghiệp lớp 12, thi tuyển sinh lớp 10, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, thi tuyển cao học, nghiên cứu sinh được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thực hiện nghiêm túc. Các kết quả thi được công bố công khai, góp phần làm cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhìn nhận một cách nghiêm túc về kỷ cương và trách nhiệm của mình.

Tình trạng thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của nhà giáo, như không soạn giáo án khi lên lớp, vào lớp muộn, ra lớp sớm, bỏ giờ không thực hiện đúng chương trình; những biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, coi thi, chấm thi, thi tuyển sinh, xét lên lớp, tốt nghiệp, v.v đã được tập thể sư phạm nhà trường, xã hội lên án và các cơ quan quản lý giáo dục xử lý nghiêm...

Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” đã tiếp tục khơi dậy những phẩm chất cao quí vốn có của đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành. Không chỉ bằng tài năng, trí tuệ của mình, đội ngũ nhà giáo còn bằng cả tấm lòng nhân ái, tình thương yêu đối với học sinh, sinh viên và người học; chia sẻ mọi mặt với đơn vị bạn, với đồng nghiệp và đặc biệt với những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; duy trì mối quan hệ tốt với phụ huynh học sinh và địa phương; tham gia tích cực các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện trong nhà trường và ngoài xã hội.

Các nhà giáo đã phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, vun trồng những học sinh, sinh viên giỏi - tài năng tương lai của đất nước, phụ đạo những học sinh yếu kém, quan tâm giúp đỡ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cảm hoá, giáo dục các em học sinh cá biệt. Đặc biệt, ở các trường học dành cho trẻ khuyết tật, các trung tâm giáo dục và giáo dưỡng, đội ngũ nhà giáo chia sẻ với các em những thiệt thòi mất mát, tận tình giáo dục, giúp đỡ học sinh về mọi mặt, tạo nên những cơ hội tốt nhất để các em hoà nhập với cộng đồng và xã hội. Hiện cả nước có hàng trăm ngàn trẻ khuyết tật được học hoà nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và được tạo điều kiện học tiếp ở bậc học cao hơn.

Công đoàn ở nhiều trường học đã xây dựng quĩ trợ cấp đặc biệt, quĩ tương trợ đời sống, quĩ tình nghĩa, quĩ mái ấm công đoàn để kịp thời giúp đỡ những giáo viên gặp khó khăn trong cuộc sống, nhà ở hoặc giúp giáo viên mua máy tính phục vụ cho việc biên soạn bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trong 3 năm qua, đội ngũ nhà giáo, lao động đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Hỗ trợ xây dựng nhà ở công vụ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa” với hơn 104 tỷ đồng xây dựng 59.796 m2 nhà ở, tương đương 1993 căn nhà diện tích 30 m2. Đồng thời thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” với kết quả 112 tỷ đồng, gần 7 triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết, hàng triệu bộ quần áo và các đồ dùng học tập khác, góp phần thực hiện nội dung 3 đủ: Đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho học sinh của các vùng nói trên. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành thực hiện tốt các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện như: Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, ủng hộ quĩ trẻ em tàn tật, quĩ vì người nghèo, quĩ đến ơn đáp nghĩa, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng.     

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo trong ngành đã và đang có phong trào rèn luyện đạo đức, tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Phong trào đó thể hiện ý thức và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong 5 năm qua, việc thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” đã góp phần tạo nên động lực tổng hợp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học ổn đinh, góp phần ổn định chính trị - xã hội trên toàn quốc. Đến 5/2010, đã có 59 tỉnh, thành phố, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở, so với năm học 2004 - 2005, tăng thêm 40 tỉnh (tăng 210,5%). Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học, thiết bị dạy và học, các công trình vệ sinh, tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hoá, đồng bộ và hiện đại. Hàng vạn nhà giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có chỗ ở. Môi trường sư phạm, xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh được tạo dựng, số trường học đạt chuẩn ngày càng tăng, ở tiểu học có 4.696 trường đạt chuẩn, tăng 50,6%; trung học cơ sở có 1.112 trường đạt chuẩn, tăng 414,8%; trung học phổ thông có 145 trường đạt chuẩn, tăng 339,4%. 

Nhờ tinh thần nhường cơm sẻ áo của các cán bộ, giáo viên ngành GD,
            nhiều học sinh vùng lũ đã có sách vở, quần áo để tiếp tục đến trường.
            Ảnh: gdtd.vn
Nhờ tinh thần nhường cơm sẻ áo của các cán bộ, giáo viên ngành GD, nhiều học sinh vùng lũ đã có sách vở, quần áo để tiếp tục đến trường. Ảnh: gdtd.vn

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp tiếp tục được xây dựng vững mạnh có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá theo qui định. Hàng năm có hơn 20.000 đảng viên mới được kết nạp. Tỷ lệ trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn của đội ngũ nhà giáo tiếp tục tăng. Ở mầm non, giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn là 89,1%, tăng 18,2%. Ở giáo dục phổ thông, giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo là 98,68% (tăng 8,97%), trong đó trên chuẩn là 43,2%; giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn 98,37% (tăng 7,5%), trong đó trên chuẩn 30,43%; giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn 98% (tăng 1,88%), trong đó 3,8% thạc sĩ trở lên. Ở các trường đại học, cao đẳng đội ngũ giảng viên hiện có 62.383 người, tăng 30,9%, trong đó có 239 giáo sư, 1.597 Phó giáo sư, 6.288 tiến sĩ (chiếm 10,07%) và 23.205 thạc sĩ (37,3%). So với năm học 2004 - 2005 giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 55 người, thạc sĩ tăng 8.666 người.

Hàng năm, số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và lao động trong ngành đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp chiếm từ 20% đến 30%.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” giai đoạn 2010-2015

Giai đoạn 2010-2015, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và lao động trong ngành với diện mạo mới, cho phù hợp với thực tiễn của ngành hiện nay.

Thực hiện nghiêm túc qui chế dân chủ trong các hoạt động nhà trường; nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, lao động và hoạt động của ban thanh tra nhân dân trong các đơn vị giáo dục, trường học; xây dựng cơ chế để “nhà giáo và lao động thực sự biết, bàn, làm và kiểm tra”; xây dựng đồng bộ và hoàn thiện các qui chế, nội qui của các đơn vị giáo dục, trường học; nâng cao vai trò hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên; đấu tranh với những biểu hiện vi phạm dân chủ.

Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các qui định của ngành, nội qui, qui chế của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, nội qui, qui chế chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp quản lý, phương pháp làm việc, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đấu tranh với tiêu cực trong hoạt động giáo dục.

Nhân ái trong các hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, tôn trọng nhân cách học sinh, sinh viên, có giải pháp giúp đỡ những học sinh, sinh viên khó khăn; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác, hoạt động chuyên môn và đời sống; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện trong nhà trường và xã hội.

Chăm lo rèn luyện đạo đức, học tập và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, giữ gìn uy tín nhà giáo; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong các hoạt động giáo dục học sinh, sinh viên, xây dựng đơn vị, nhà trường vững mạnh; phối hợp tốt với cha mẹ học sinh, chính quyền và nhân dân địa phương trong hoạt động giáo dục học sinh, sinh viên, xây dựng trường học văn hoá và khu dân cư văn hoá. 

Để thực hiện được những mục tiêu trên, công tác tuyên truyền về cuộc vận động với hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, sâu rộng đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, lao động trong ngành sẽ được đẩy mạnh. Cùng với đó, kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động của công đoàn giáo dục các cấp.  Ban hành văn bản mới hướng dẫn nội dung cuộc vận động. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong hội nghị này và thực tiễn của ngành hiện nay, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng, ban hành văn bản mới hướng dẫn nội dung phù hợp với tình hình mới để chỉ đạo công đoàn giáo dục các cấp, đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung và xây dựng văn bản mới về việc hướng dẫn “Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và lao động” trong các đơn vị giáo dục, trường học cho phù hợp với tình hình mới; tiếp tục triển khai có hiệu quả qui chế dân chủ ở cơ sở, thực sự phát huy quyền làm chủ của đội ngũ nhà giáo và lao động trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của đơn vị, nhà trường.

Triển khai thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn trong ngành, như: Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”...

Hiếu Nguyễn