Áp lực người thầy

2010-12-10 20:21

Áp lực người thầy  

Chưa bao giờ người thầy phải chịu nhiều áp lực như hiện nay, từ quá tải sĩ số đến thi đua chất lượng dạy học… trong bối cảnh phải oằn mình chống chọi cơn bão giá. Khổ vậy nhưng xem chừng còn chưa khổ bằng phải chịu trận hội chứng “con cưng” khiến danh dự người thầy bị thương tổn.

Sĩ số học sinh đông, áp lực làm việc của các cô giáo mầm non ngày càng nặng nề. Ảnh: L.LINH

 

Hội chứng con cưng

Câu chuyện “con cưng” ở một trường tiểu học tại quận 1 khiến nhiều người bức xúc. Trong giờ chơi, một cô bé học lớp 1/3 nhắc nhở bạn nam cùng lớp tên H.K. xếp hàng bằng cách kéo cổ áo bạn và bị bạn cắn vào tay để lại vết bầm. Câu chuyện sẽ chỉ dừng lại là chuyện trẻ con đùa nghịch nếu như phụ huynh không phản ứng quá đà bởi đứa cháu gái cưng độc nhất của 2 nhà nội ngoại bị bạn cắn. Với trường hợp này, phụ huynh yêu cầu nhà trường phải tìm cho ra “thủ phạm” để đảm bảo “an toàn tính mạng” của con mình. Vị phụ huynh còn thu thập nhiều bằng chứng kết tội H.K. cố tình gây thương tích cho nhiều bạn cùng lớp và cho rằng K. bị bệnh tự kỷ…

Sự việc bị đẩy xa khi phụ huynh không chấp nhận lời hòa giải và cho con nghỉ học nhiều ngày. Trước áp lực của phụ huynh, nhà trường buộc phải chuyển H.K. sang lớp khác nhưng cách làm đó vẫn chưa thỏa lòng phụ huynh vì “còn học cùng trường là còn chạm mặt”. Gia đình H.K. không đồng ý chuyển trường cho con vì sắp thi học kỳ và sợ ảnh hưởng tâm lý của bé. Chỉ khổ nhà trường phải bơ vơ đứng giữa ngã 3 dòng không biết phải giải quyết ra sao cho vẹn tình đôi bên?

Một vụ việc nóng hổi xảy ra cách đây mấy hôm tại trường mầm non C. ở quận Tân Bình, khi cháu bé 3 tuổi về nhà mách mẹ bị cô giáo đánh vào tay và đầu. Do tin lời con, phụ huynh liền viết đơn kiện 2 giáo viên đánh con mình đến… chấn thương sọ não! Đến khi sự việc được xác minh, mới hay cô giáo chỉ khẻ vào tay trò vì nhiều lần phạm lỗi xô bạn và làm đổ thức ăn lên người bạn. Bệnh viện cũng xác định cháu không bị chấn thương đầu, vẫn sinh hoạt vui chơi bình thường. Tuy nhiên, vì thương và tin con, người nhà “ép” trường phải kỷ luật cô giáo. Cuối cùng, phụ huynh đồng ý việc nhà trường kỷ luật với hình thức cắt lao động tiên tiến 2 giáo viên vì có hành vi đánh vào tay cháu, dù nhẹ. Cần nói thêm, thời gian qua 2 cô giáo này luôn được đánh giá là thương yêu và chăm sóc  rất tốt học sinh. Dù đã được minh oan nhưng cô giáo vẫn phải chấp nhận hình phạt và sốc đến ngất xỉu khi sự việc bị đẩy quá đà trên một vài tờ báo…

Áp lực vô hình

Bà Nguyễn thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Khi đời sống của người giáo viên còn nhiều khó khăn, thu nhập không đủ sống, trường lớp còn thiếu thốn, sĩ số học sinh trong lớp quá đông đã gây nhiều áp lực đối với đội ngũ thầy cô giáo. Họ đứng trên bục giảng chủ yếu vì lòng yêu nghề, vì tình thương trò. Vậy mà sự nguy hiểm lại luôn rình rập, đôi khi sự vô tình của phụ huynh và học sinh đã làm không ít thầy cô phải “gục ngã” mất niềm tin vào nghề”.

Những áp lực vô hình xuất phát từ hội chứng “con cưng” càng ngày càng phổ biến trong xã hội khiến đôi vai người thầy thêm nặng trĩu. Chị Ng.L.V.Q. phụ huynh lớp mầm 2 Trường mầm non C. (quận Tân Bình) bức xúc nói rằng nhiều khi sự việc nhỏ nhưng bị “quy chụp” quá đà đã làm tổn thương nặng nề đến danh dự thầy cô. Chị Q. cũng từng là giáo viên mầm non nhưng vì chịu quá nhiều áp lực của nghề nên đành bỏ việc giữa chừng. Với tâm trạng não nề, chị tâm sự: “Tôi rất hiểu và thông cảm cho giáo viên mầm non chịu nhiều vất vả, chính vì vậy nếu sự việc không nghiêm trọng, phụ huynh hãy thông cảm và chia sẻ với các cô, để con mình không chịu thiệt thòi và các cô sẽ vì thế mà chăm sóc cháu tốt hơn”.

Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa (quận 5) có con đang học mẫu giáo bày tỏ cảm thông: “Tôi không khuyến khích cô giáo đánh học trò nhưng trong tình huống các cháu quá lì, không vâng lời hay đánh bạn, cô cũng có thể khẻ vào mông hoặc tay các cháu để răn đe, dạy dỗ. Bản thân phụ huynh nhiều lúc con quá hiếu động, cũng không dằn lòng được dẫn đến phải đánh con. Vấn đề là đánh trẻ ở mức độ nào cho hợp lý, không gây tổn hại trẻ và có tính giáo dục”.

Th.S Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho rằng: “Ngày nay, chuyện bạo hành trẻ và bạo lực học đường là có thật. Tuy nhiên, phụ huynh không thể cho rằng đó là bạo lực học đường, càng không thể quy chụp các em cố tình gây thương tích, làm nguy hại đến sự an toàn và tính mạng cho bạn học. Không nên quá cường điệu bản chất sự việc mà cần lắng nghe, tìm hiểu, cùng nhà trường giải quyết sự việc êm thấm và đặt quyền lợi của trẻ lên hàng đầu. Để trẻ nhận ra cái đúng cái sai, phụ huynh nên tin tưởng vào thầy cô để góp ý cách dạy dỗ cho trẻ nên người. Hội chứng “con cưng” sẽ vô tình hướng trẻ vào một lối sống dựa dẫm và không biết cư xử trong cuộc sống”.

“Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy cho học sinh là dạy cái lẽ, dạy làm người trước khi dạy cái chữ. Chính vì vậy, trước hết phụ huynh phải biết tôn trọng, tin tưởng vào thầy cô giáo để có sự phối hợp chặt chẽ với thầy cô trong việc giáo dục con. Đi đến một mục tiêu cuối cùng là đào tạo nên những con người phát triển toàn diện về nhân cách lẫn trí tuệ.

Lê Linh – Mỹ Hằng