Phát triển tư duy cho học sinh qua dạy học môn tiếng Việt

2011-06-11 11:01

(GD&TĐ) - 1. Năng lực tư duy là điều kiện cần và đủ để khám phá và lĩnh hội tri thức. Ngày nay, khi nền kinh tế tri thức tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất thì việc rèn luyện tư duy của mỗi người lại càng hết sức cần thiết. Trong nền kinh tế ấy, tri thức trở thành quyền lực, trở thành chìa khoá mở cửa tương lai. Không có những năng lực, phẩm chất của tư duy, con người không có khả năng nắm bắt tri thức, lĩnh hội tri thức và cũng không có khả năng vận dụng tri thức.

Hào hứng trong lớp học (ảnh minh họa :Internet)
Hào hứng trong lớp học (ảnh minh họa :Internet)

Làm thế nào để phát triển tư duy cho người học một cách hiệu quả? Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ cho ngành Giáo dục mà cho toàn xã hội.

Trong thực tế, phát triển tư duy cho người học là mục tiêu quan trọng của các chương trình dạy học. Để đạt được mục tiêu đó, chương trình thường cấu trúc theo hướng đồng tâm và phát triển; Phương pháp dạy học hướng vào người học nhằm tôn trọng lợi ích, quyền lợi, sáng tạo cá nhân của họ. Nhờ đó, tư duy của người học sẽ được hình thành và phát triển trong môi trường, điều kiện tốt nhất. 

2. “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” (Mác). Ngôn ngữ và tư duy luôn có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ. Thực tế cho thấy trẻ em có kĩ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thì những năng lực, phẩm chất tư duy của các em cũng được thể hiện rõ. Ngược lại, trẻ em không có ngôn ngữ hoặc khả năng ngôn ngữ kém thì năng lực tư duy cũng hạn chế. Tuy vậy, cần nhận thức rằng, ngôn ngữ và tư duy thống nhất chứ không đồng nhất. Chúng ta không thể viết/nói: “Trời tối mịt, bên kia sông, từng làn khói trắng bay lên” bởi vì ngôn ngữ không phản ánh đúng hiện thực. Nhưng chúng ta lại cho rằng “Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm-Vạch lá rừng nhìn xuống quê em” (Phạm Ngọc Cảnh) là câu thơ hay bởi nó đã phản ánh được khát vọng giải phóng quê hương, khát vọng thống nhất đất nước của anh chiến sĩ.

3. Mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và tư duy cho thấy môn Tiếng Việt có nhiều lợi thế trong việc rèn luyện và phát triển tư duy cho học sinh. Chính vì vậy, mục tiêu cơ bản của việc dạy học Tiếng Việt là hình thành và phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp cho học sinh. Điều đó cũng có nghĩa là hình thành và phát triển điều kiện cần thiết, quan trọng để phát triển tư duy.

Các nhà nghiên cứu về phương pháp dạy học tiếng đã rút ra những kết luận có tính chất phương pháp từ việc nhận thức mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Theo họ, kiến thức, kĩ năng ngôn ngữ phải được xem xét như là những yếu tố của sự phát triển tư duy; các hệ thống dạy học Tiếng Việt phải bảo đảm mối liên hệ giữa lời nói và tư duy; phải thường xuyên luyện tập cho học sinh khả năng diễn đạt tư tưởng của mình bằng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau. Lời nói cần có nội dung, trong dạy học tiếng có thể đi từ tư duy đến ngôn ngữ hoặc ngược lại (giải nghĩa từ là đi từ ngôn ngữ đến tư duy; viết câu, dựng đoạn là đi từ tư duy đến ngôn ngữ). Họ cũng cảnh báo rằng, phương pháp dạy học tiếng không dựa vào sự phát triển tương hỗ giữa lời nói và tư duy thì đó là phương pháp sai lầm về phương diện triết học. Quan điểm trên cho thấy trong quá trình dạy học Tiếng Việt, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc phát triển tư duy cho học sinh với những yêu cầu: (1) Phải chú ý rèn luyện các thao tác và phẩm chất tư duy trong giờ dạy tiếng cho các em; (2) Phải làm cho học sinh thông hiểu được ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ; (3) Phải tạo điều kiện cho học sinh nắm được nội dung các vấn đề cần nói cần viết và biết thể hiện nội dung này bằng các phương tiện ngôn ngữ.

4. Phát triển tư duy cho học sinh qua dạy học Tiếng Việt cần đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện các thao tác tư duy lôgich, hình thành các phẩm chất tư duy, góp phần hình thành tư duy hình tượng cho các em.

4.1. Ngôn ngữ là phương tiện của nhận thức lôgích, lí tính nên chúng ta phải rèn luyện các thao tác tư duy lôgích cho học sinh. Chính trong các đơn vị và các dạng thức ngôn ngữ có sự khái quát hoá, trừu tượng hoá. Chẳng hạn, khi chúng ta nói “danh từ” nghĩa là không phải nói đến một danh từ cụ thể nào cả mà nói đến tất cả các danh từ trong sự đối chiếu với động từ, tính từ. Để rèn luyện thao tác tư duy lôgích cho học sinh, trong thực tế chúng ta đã tổ chức bài học bằng các phương pháp dạy học cụ thể. Các bài học hình thành khái niệm, áp dụng khái niệm để giải quyết một vấn đề cụ thể của ngôn ngữ, của việc sử dụng ngôn ngữ là những cơ hội để phát triển tư duy cho các em. Thông qua việc phân tích những hiện tượng ngôn ngữ riêng lẻ, các em vận dụng những phẩm chất tư duy lôgích để khái quát hoá thành những khái niệm, những tri thức về ngôn ngữ. Và từ những kiến thức đã thu nhận được, các em, một lần nữa, lại vận dụng năng lực tư dưy lôgích của mình để sử dụng những kiến thức đó trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Để rèn luyện tư duy lôgích cho học sinh, giáo viên phải đặc biệt quan tâm những lỗi về câu do diễn đạt thiếu lôgích như: “Mắt đăm đăm nhìn ra cửa bể, ta thấy Kiều nghĩ tới tương lai tối tăm, mù mịt của mình”; “Anh Hai bị thương hai vết, một vết ở đùi và một vết ở Khe Sanh”; “Nước giếng này rất trong, pha trà rất ngon mà lại gần nhà”... Đây là những trường hợp không tương hợp về ý giữa các thành phần câu. Chúng ta cũng cần quan tâm đến lỗi sắp xếp ý lộn xộn, thiếu tính hệ thống trong một văn bản/ngôn bản của học sinh.

Hạn chế những lỗi trên cần có hệ thống bài tập ngăn ngừa, cần quán triệt những yêu cầu cụ thể khi sử dụng các phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp luyện theo mẫu, phương pháp giao tiếp trong dạy học. Khi vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ trong dạy học, việc phân tích hiện tượng ngôn ngữ phải bảo đảm tính cấp bậc, không nhảy vọt, không cách quãng. Chẳng hạn, để phân loại từ theo cấu tạo, giáo viên cần tổ chức, hướng dẫn học sinh phân từ thành hai loại: từ đơn, từ phức; Từ phức được phân thành hai loại: từ ghép và từ láy; Từ láy được phân làm hai loại: từ láy hoàn toàn và từ láy bộ phận; Từ láy bộ phận được phân làm hai loại: từ láy âm và từ láy vần,… Nếu ngay từ đầu, chúng ta phân chia từ thành ba loại: từ đơn, từ ghép, từ láy thì đã nhảy vọt, cách quãng trong khi phân tích; Nếu chia từ ghép ra hai loại: từ ghép hợp nghĩa và từ ghép phân nghĩa thì đã phân tích không theo một cơ sở nhất quán.

Khi sử dụng phương pháp luyện theo mẫu, giáo viên cần tổ chức để học sinh hiểu được mô hình mẫu chứ không nên bắt chước, rập khuôn theo mẫu.

4.2. Ngoài việc rèn luyện thao tác tư duy lôgích cho học sinh, trong giờ Tiếng Việt, chúng ta cần hình thành và phát triển các phẩm chất tư duy cho các em. Muốn vậy, giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh nắm được các vấn đề cần nói và viết, biết thể hiện nội dung các vấn đề đó bằng các phương tiện ngôn ngữ khác nhau. Trong thực tế, chúng ta đã chú ý xây dựng các đề bài kiểm tra phù hợp với trình độ tư duy của học sinh. Ngoài ra, chúng ra cần rèn cho học sinh nói/viết từ một ý bằng nhiều cách khác nhau, cần biết sử dụng các dạng ngôn ngữ nói/viết cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài là hệ thống câu hỏi phát huy hết năng lực của từng cá nhân học sinh trong lớp, tạo điều kiện để tăng số lượng học sinh được giao tiếp trong giờ học.

4.3. Môn Tiếng Việt cũng có nhiều lợi thế để hình thành tư duy hình tượng cho học sinh vì chữ viết được xem là một biểu tượng. Học chữ là một trong những con đường để hình thành biểu tượng. Việc tích hợp dạy Văn qua môn Tiếng Việt được xem là một biện pháp để hình thành và phát triển tư duy hình tượng văn học cho các em.

Tài liệu tham khảo
1.    Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán (2000), Phương pháp dạy học Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.
2.    Lê Phương Nga, Đỗ Xuân Thảo, Lê Hữu Tỉnh (1998), Phương pháp dạy học Tiếng Việt 1, Nxb Giáo dục, H.
3.    Hoàng Phê (1989), Lôgích ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, H.
4.    Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1993), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Nxb Giáo dục, H.
5.    Alêcxâyep (1976), Phát triển tư duy cho học sinh,Nxb Giáo dục, H.
6.    Nguyễn Quang Uẩn và tgk (1996), Tâm lí học đại cương, Nxb Giáo dục, H.

TS. Nguyễn Thị Xuân Yến
Bộ Giáo dục và Đào tạo