Cô giáo say mê làm đồ dùng dạy học

2011-02-12 10:29

Xuất phát từ thực tế khi dạy cho các em học sinh tiểu học xem đồng hồ và lịch, các thầy cô luôn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị dụng cụ giảng dạy: phải tự kẻ lịch, vẽ đồng hồ, mà hiệu quả vẫn không như mong muốn. Vì những lý do trên, cô Hồ Thị Thu An, giáo viên Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5, TP.HCM), đã sáng tạo ra bộ đồ dùng dạy học Đại lượng về thời gian và Mô hình vòng xoay kỳ thú. Đây cũng là đề tài đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo KHKT.

Vật liệu sử dụng khá đơn giản và dễ tìm: gồm giấy rôki, bảng nhựa mica, décal, bìa màu, keo màu, bút lông. Cô Thu An đã khéo léo kết hợp khá kinh tế “2 trong 1” khi dùng mặt trước của bảng nhựa mica để “chế tạo” ra bộ lịch và đồng hồ. Ở mặt sau dùng làm trò chơi tập thể và củng cố bài học.

Đại lượng về thời gian: Ở mặt trước có tên gọi là Đại lượng về thời gian, các em học sinh (lớp 2) được hướng dẫn việc xem đồng hồ và lịch. Theo đó, ngay phần trên, cô Thu An dán vào một mặt đồng hồ, vẽ hoa trang trí xung quanh cho thêm phần sinh động, soi lỗ để gắn trục kim.

Phần lịch thì cầu kỳ hơn với các cấu trúc gồm có: cột ngoài cùng ghi số chỉ 12 tháng. Dòng thứ nhất ghi tên các ngày trong một tuần lễ. Các ô còn lại ghi số chỉ các ngày trong tháng. Để xem lịch, trước hết giáo viên phải xác định trong tháng đó, ngày  đầu tiên của tháng (ngày 1) ứng với thứ mấy và sẽ kéo rãnh để xê dịch ngày/tháng tương ứng.

Ví dụ trong tháng 11, ngày 1 tây tương ứng với thứ năm thì sẽ kéo rãnh về thứ năm, khi đó, theo thứ tự thì chủ nhật sẽ là ngày 4 tây (xem hình). Học sinh khi nhìn vào sẽ biết được trong tháng, ngày nào ứng với thứ mấy, một tháng/tuần có bao nhiêu ngày, tuần trước của ngày đó là ngày nào… Tuy nhiên, nhược điểm của bộ lịch này ở chỗ, do đây là lịch đa năng nên tháng nào cũng có 31 ngày. Vì thế gặp tháng nào có 28 hoặc 30 ngày thì giáo viên phải linh động dùng bìa đen che các ngày 29, 30, 31 (tháng 2) và ngày 31 của các tháng 4, 6, 9, 11.

Mô hình vòng xoay kỳ thú: Ngay giữa là một bông hoa ghi chủ đề chính, chung quanh là những chiếc túi nhỏ (dành cho từng nhóm, bao nhiêu nhóm là bấy nhiêu túi), có thể xoay được và một mũi tên ở góc trên để khi xoay vòng, túi nào dừng ngay mũi tên thì nhóm sẽ rút phiếu trong túi đó ra và thực hiện theo yêu cầu của phiếu. Nhóm nào xong trước sẽ lên gắn vào rãnh kề bên vòng xoay rồi trình bày phần trả lời của nhóm. Vòng xoay này sử dụng được tất cả các môn và các lớp từ lớp 1 đến lớp 5, giáo viên sẽ tự soạn một số nội dung phù hợp với chương trình học, thông thường liên quan đến vấn đề đạo đức, giáo dục công dân như việc giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng, làm việc nhà giúp mẹ…

Nhận xét về mặt hiệu quả kinh tế, cô Thu An cho biết, dụng cụ học tập này đã tận dụng các vật liệu có sẵn, rẻ tiền, nhưng mang tính an toàn, tiện lợi, thẩm mỹ, giảm thiểu được kinh phí mua sắm đồ dùng hàng năm cho học sinh. Học sinh tích cực tham gia các hoạt động tập thể, tâm lý thoải mái, dễ tiếp thu bài, kích thích sự sáng tạo, phát triển tư duy, chuẩn bị bài chu đáo. Bên cạnh đó, không khí lớp học cũng sôi nổi hơn, tinh thần tập thể được gắn kết.