5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm 2011

2011-03-05 12:14

(GD&TĐ)-Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký ban hành chương trình công tác năm 2011 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, trong năm 2011, Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động của ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và giai đoạn 1 của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; đồng thời triển khai năm nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

>>>5 nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2010-2011

cxcxcxcxcxc
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD năm 2011 là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó ưu tiên các văn bản thực hiện Luật Giáo dục, các Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục; xây dựng dự án Luật Giáo dục Đại học đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Tổ chức quán triệt; sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan và kiểm tra đôn đốc thực hiện phân cấp quản lý giáo dục cho địa phương, Bộ, ngành theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Xây dựng các tiêu chí xác định mức tương quan giữa đầu tư, học phí và chất lượng đào tạo;

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học, đào tạo liên thông, đào tạo liên kết. Chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc chuyển đổi loại hình trường mầm non, phổ thông theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT.

Đánh giá 15 năm hoạt động của mô hình đại học quốc gia, đại học hai cấp. Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia giáo dục; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học theo khối ngành. Thực hiện đổi mới công tác thông tin tuyên truyền; tổng hợp thông tin từ các kênh khác nhau để giải quyết kịp thời các vấn đề của ngành. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục. 

Tiếp tục xây dựng và thực hiện các quy trình hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Bộ GD&ĐT; xây dựng chính phủ điện tử tại cơ quan Bộ gắn với “một cửa, một dấu”. Rà soát lại việc phân công, phân cấp quản lý trong các đơn vị thuộc cơ quan Bộ để thực hiện giải pháp "một cửa". Tổng kết 3 năm thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan Bộ. Triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020”; Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các nhà trường.

Tập trung thanh tra có chiều sâu các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học, trình độ đào tạo; thanh tra các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập và cơ sở giáo dục có đầu tư nước ngoài; thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ. Tăng cường chỉ đạo công tác tự thanh tra của các cơ sở giáo dục. Tập huấn công tác thanh tra chuyên môn nghiệp vụ cho thanh tra cơ sở. Triển khai đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Với nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức giá trị sống, kĩ năng sống, ngăn chặn bạo lực trong học sinh, sinh viên; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng sinh viên.

Tăng cường các giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh ngồi sai lớp, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi; Chỉ đạo tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi quốc gia năm 2011.

Chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011 ổn định theo giải pháp ba chung; Xác định phương thức tuyển sinh hợp lý cho những năm sắp tới; Hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy chế tuyển sinh.

Nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh ở vùng dân tộc. Tiếp tục các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc ở mầm non, tiểu học; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên vùng dân tộc.

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và người học trong toàn ngành; Đẩy mạnh triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 và Chương trình giáo dục mầm non mới. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục; phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ, cộng đồng.

Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; Tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tiếp tục chỉ đạo việc triển khai tự đánh giá các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; từng bước triển khai đánh giá ngoài và công nhận các trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục.

Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020; Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020. Chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông (PISA) vào năm 2012. Ban hành các văn bản quy định về biên soạn, chỉnh sửa, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa áp dụng sau năm 2015.

Chỉ đạo các địa phương tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên theo mô hình dạy văn hoá kết hợp với hướng nghiệp, dạy nghề; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; Củng cố vững chắc kết quả chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; Tập trung nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi và mở rộng xóa mù chữ cho những người từ 35 tuổi trở lên. Tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010; xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” và Đề án “Xoá mù chữ giai đoạn 2011-2020”.

Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đến tháng 8/2011 xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo, trình độ đào tạo. Tăng cường giảng dạy kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ, khởi sự doanh nghiệp cho sinh viên. Tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, thông qua việc ký kết các hợp đồng, thoả thuận hợp tác. Triển khai tích cực các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực đã ký kết; xây dựng và triển khai Đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011-2015.

Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ đạo tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Tổ chức đánh giá 10 năm phát triển trung cấp chuyên nghiệp; Triển khai Đề án tăng cường năng lực đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc đào tạo theo học chế tín chỉ; sửa đổi bổ sung Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ cho phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam; Xây dựng khung chính sách quy định về việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở.

Chỉnh sửa, bổ sung quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng mở rộng đối tượng tuyển sinh đầu vào, tăng cường kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và thiết lập sự phân luồng đào tạo thạc sĩ theo hướng nghiên cứu và hướng chuyên nghiệp.

Rà soát, thống kê cơ cấu ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học trong cả nước, địa phương, vùng miền, lĩnh vực,... làm căn cứ cho việc giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo.

Đẩy nhanh tiến độ công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp; tiếp tục triển khai các hoạt động đánh giá ngoài; giám sát, kiểm tra có hiệu quả các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ chuyên gia về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp; thành lập cơ quan độc lập kiểm định chất lượng giáo dục.    

Đánh giá, đổi mới các chương trình đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Đời sống giáo viên tiếp tục được quan tâm
Đời sống giáo viên tiếp tục được quan tâm

Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và triển khai Đề án quy hoạch nguồn nhân lực của ngành Giáo dục. Tổ chức có hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông về chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp. Tổng kết công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo Đề án liên kết Việt Nam - Singapore. Triển khai Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010 - 2016”.

Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng từ nay đến năm 2020. Sơ kết 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước". Xây dựng và triển khai Đề án thu hút các giáo sư, tiến sĩ Việt kiều để tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam.

Triển khai việc sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng đến 100% số trường đại học, cao đẳng, từng bước mở rộng sang trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; thí điểm thực hiện giảng viên đánh giá cán bộ quản lý.

Triển khai thực hiện đại trà chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học (trung học cơ sở và trung học phổ thông), chuẩn hiệu trưởng trường trung học; tập huấn đánh giá giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng trường mầm non, hiệu trưởng trường tiểu học theo chuẩn. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bồi dưỡng giáo viên các cấp.

Công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất, sẽ thực hiện tổng kết đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia  giáo dục và đào tạo 2011-2015. Xây dựng Thông tư hướng dẫn về nội dung và cơ chế thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Chỉ đạo các địa phương xây dựng và áp dụng mức học phí mới từ năm học 2010-2011; Hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan liên quan thực hiện công bố công khai và thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ.

Triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục trong phạm vi cả nước và từng vùng kinh tế trọng điểm.

Xây dựng Đề án đổi mới giao chỉ tiêu tuyển sinh; Xây dựng các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hàng năm đối với các trường đại học, cao đẳng, TCCN năm 2011 và định hướng đến năm 2015.

Triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng; Phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai thực hiện đề án xây dựng kí túc xá sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Tổng kết 5 năm thực hiện phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015 cho các vùng.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Đề án phát triển giáo dục ở 62 huyện nghèo.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chế tài liên quan đến mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em; đẩy mạnh phong trào tự làm và sử dụng thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống trường trung học phổ thông chuyên. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Tổng kết công tác xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2006-2010 và xây dựng Đề án xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2011-2015.

Công tác hợp tác quốc tế sẽ tăng cường việc ký kết các điều ước và thỏa thuận quốc tế về giáo dục và đào tạo; Triển khai rà soát, kiểm tra các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài. Tiếp tục thực hiện cử lưu học sinh đi học nước ngoài theo các đề án đã được phê duyệt. Tập trung triển khai tốt việc đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt Đức sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới và xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sử dụng vốn vay của Ngân hàng châu Á. Tiếp tục thực hiện xây dựng các trường đại học xuất sắc: Xem xét, lập kế hoạch hợp tác với các Dự án về Đại học Việt Anh, Đại học Việt Nga... trên tinh thần yêu cầu các nước giúp Việt Nam vốn xây dựng cơ bản cho các trường.

Hiếu Nguyễn